Thời thơ ấu của ông trải qua những ngày tháng bất hạnh, 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân lành lặn của đứa trẻ hồn nhiên đang tuổi ăn tuổi lớn. “Hồi đó đến trường có bạn gọi tôi là “thằng què mồ côi”, thấy cũng buồn lắm, nhưng vì ham cái chữ nên phải cố gắng thôi. Nhiều lúc đến trường thấy người ta có ba mẹ dắt đi học rồi đón về tôi cũng thấy tủi thân”, ông bùi ngùi kể lại.
Cũng bởi gia đình khó khăn, lại không muốn trở thành gánh nặng cho cô, học hết lớp 9 trường làng ông quyết định bỏ học, xếp bút nghiên ông ở nhà giúp cô làm ruộng. Đôi chân bị tật, mỗi khi trái gió trở trời lại lên cơn đau nhức, di chuyển còn thấy khó khăn nói chi đến việc làm đồng, thế nhưng ngày đó mọi người trong làng ai cũng khâm phục ông cũng bởi cái bản tính cần cù tháo vát, chịu thương, chịu khó.
Sống trong cảnh tật nguyền, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nghe ở đâu có tổ chức làm từ thiện, ông đều đăng kí tham gia. Trong những chuyến đi làm từ thiện, ông đau lòng chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh rất thương tâm. Cùng cảnh ngộ với những người tật nguyền, hơn ai hết ông thấu hiểu được những nỗi đau trong cuộc sống mà họ phải chịu đựng. Từ đó ông nhen nhóm ý nguyện sẽ xây dựng một ngôi nhà tình thương cho người khuyết tật.
Một tấm lòng cao cả
Để có được một mái ấm cho người khuyết tật như ngày hôm nay ít ai biết được ông đã phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình và những người xung quanh: “Hồi đó khi nghe tôi nói chuyện nhận những đứa trẻ khuyết tật về nuôi, cô tôi phản đối dữ lắm, thân mình còn lo không song hơi đâu đi lo chuyện thiên hạ, còn mọi người xung quanh ai cũng cho tôi là cái thằng ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Ông Bửu cùng những đứa con tật nguyền trong ngôi nhà tình thương. |
Đầu năm 2009, tích góp được một số tiền kha khá, ông cùng một số người đồng cảnh quyết định thành lập nhóm Tự Lực với tâm nguyện sẽ quy tụ những người khuyết tật, những đứa trẻ mồ côi lang thang không nơi nương tựa về cưu mang, nuôi dưỡng, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn chồng chất nhưng không chịu khuất phục với hoàn cảnh và số phận, ông xoay xở bằng cách mượn vốn mua máy móc, vật liệu… dạy các nghề thủ công cho những mảnh đời bất hạnh. Mở rộng nhiều cơ sở sản xuất để lấy kinh phí trang trải cho mọi chi phí từ ăn ở, sinh hoạt, đến thuốc men, áo quần cho 30 mảnh đời bất hạnh. Đến ngôi nhà tình thương những ngày này, chúng tôi gặp những người khiếm thị đang thêu những bông hoa, kết thành những chiếc lồng đèn, làm nhang, một không khí vui tươi, tràn đầy niềm vui cuộc sống.
Vừa xếp những chiếc lồng đèn, em Huỳnh Kim ân, người vừa được ông nhận về nhà tình thương cách đây hai tháng, chia sẻ: “Ba bỏ mẹ con em từ khi em mới 1 tuổi. Nghe mẹ kể ba bỏ đi theo người đàn bà khác. Từ khi đến đây, cảm giác không có cha đã vơi dần bởi về nhà em có mẹ, đến nhà tình thương em lại được ba Bửu săn sóc, yêu thương, em thấy hạnh phúc lắm”.
Ngoài dạy các nghề thủ công cho các em ở đây, ông còn mở lớp dạy chữ vào ban đêm cho những em từ nhỏ không có điều kiện đi học. Đến nay, ngôi nhà tình thương của ông đã có gần 30 em và mỗi năm ngôi nhà ấy lại “thu nạp” thêm những thành viên mới. Cứ thế, cuộc sống của người đàn ông tật nguyền giàu lòng yêu thương lại có thêm những đứa con nặng tình mà bản thân ông không phải đấng sinh thành
Nguồn tin: CAND
Comments