Cuộc Sống Quanh TaTop bài viết

Từ Thiện Thật có hẹn với những người phụ nữ đặc biệt trong “Ngày Đẹp Nhất”

0
"Ngày đẹp nhất" của những phụ nữ đặc biệt

“NGÀY ĐẸP NHẤT” CỦA NHỮNG PHỤ NỮ ĐẶC BIỆT

Làm đẹp, trang điểm, mặc áo dài chỉ là một nhu cầu bình thường của những người phụ nữ. Tuy nhiên, những nhu cầu vốn rất đỗi bình thường lại trở thành xa xỉ với những người phụ nữ đang phải điều trị đặc biệt về tâm thần. Ngày 8/3 năm nay, những người phụ nữ tại trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 2, Ba Vì, Hà Nội có một “Ngày Đẹp Nhất”.

NGÀY 8/3 KHÁC BIỆT

“Ngày Đẹp Nhất” là 1 chương trình đặc biệt dành cho những người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 2 Hà Nội.

Họ có thể là những người vô gia cư lang thang được đưa về trung tâm.

Họ có thể là những người không nhớ gì về gia đình và quên mất tên của mình…

Nguyễn Thành Trung (Chủ nhiệm CLB Từ Thiện Thật) mở đầu chương trình bằng lời tâm sự ngắn gọn nhưng đầy tự sự. Đây là lần thứ 3, Trung thực hiện chương trình “Ngày Đẹp Nhất” để dành tặng một ngày 8/3 ý nghĩa dành tặng những người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt trên mảnh đất hình chữ S.

Trước đó, Trung từng thổ lộ rằng, Trung không từ thiện giống các bạn là góp lại thành lớn rồi đưa đến những hoàn cảnh khó khăn, từ bé khi Trung đi qua 1 hoàn cảnh khó khăn nào là trong anh thường cảm nhận được họ, Trung chạy lại và tặng cho họ 1 cái gì đó, ví dụ như 1 cái bánh mẹ mua cho hoặc 1 cái kẹo được mọi người cho, anh sẽ không ăn nếu thấy họ cần hơn bản thân mình. Trung cũng nói, anh sống tâm linh bởi chính cái đã gắn liền với từ thiện đó là Thành Trung = TT = Từ Thiện.

“Ngày Đẹp Nhất” là chương trình thiện nguyện mà Trung đã ấp ủ từ rất lâu và tổ chức đều đặn. Những năm trước, anh mang “Ngày Đẹp Nhất” tới các bà, các cô sinh sống tại khu xóm ve chai tại Hà Nội và TP HCM. Trong một lần tới làm từ thiện tại một trung tâm chăm sóc người tâm thần, Trung vẫn giữ thói quen lại thật gần và tâm sự, nói chuyện cùng với những bệnh nhân tại đó.

Từ những câu chuyện thật nhỏ như cuộc sống, ước mơ, công việc… Trung nhận ra những bệnh nhân tâm thần họ cũng giống như bao người ngoài kia, họ cũng muốn có một cuộc sống vui tươi, họ cũng có ước mơ, cũng có nhu cầu cuộc sống, muốn được làm đẹp… Những điều đó đã thôi thúc Trung muốn làm một điều gì đó để dành tặng những người phụ nữ đặc biệt đang điều trị tại trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 2, Ba Vì, Hà Nội.

Để chuẩn bị cho chương trình lần này, Trung cùng những đồng đội của mình đã phải chạy đi chạy về từ trung tâm Hà Nội lên Ba Vì suốt cả tháng trời chỉ để tìm hiểu và làm quen thật gần với những bệnh nhân ở đây. Thậm chí, đến trước ngày tổ chức sự kiện, Trung cũng gần như thức trắng suốt đêm hôm trước để đi chợ mua từng bông hoa thật đẹp tặng những bệnh nhân ở đây. Bởi theo lời Trung, ngày 8/3 mà, tặng quà gì cho phụ nữ thì cũng nên có một bông hoa thì mới ý nghĩa.

“Ngày 8/3 là ngày dành riêng để tôn vinh phụ nữ. Ngày mà những người phụ nữ bình thường sẽ mặc những bộ quần áo thật đẹp và nhận hoa, lời chúc mừng từ những người đàn ông trong gia đình hay đồng nghiệp. Tuy nhiên trong bộn bề cuộc sống hiện tại thì không phải ai trong số họ cũng có thể tận hưởng hết ý nghĩa của ngày 8/3 hay đơn giản nhất là không phải ai cũng được nhận dù chỉ 1 bông hoa cho ngày của họ. Và đây cũng là lý do tạo nên Ngày Đẹp Nhất” – Trung tâm sự.

“Điều lạ nhất nhưng cũng vui nhất và ý nghĩa nhất với tôi đó là tôi được mọi người ở đây nhớ theo một cách đặc biệt. Lạ lắm, có những cô mà tôi hỏi quê quán 3 lần thì 3 lần đều trả lời khác nhau. Nhưng mỗi khi tôi lên trung tâm thì họ tuyệt nhiên chưa một lần quên tên tôi mà luôn gọi rất to “Trung ơi, Trung ơi”. Tôi không biết tại sao tôi lại được họ nhớ tới như thế, nhưng với tôi đó là hạnh phúc” – Thành Trung chia sẻ.

Suốt quãng thời gian chuẩn bị cho “Ngày Đẹp Nhất”, điều khiến Trung lặng đi nhất đó là những tâm sự, những mong ước thực sự đời thường của những người phụ nữ ở đây. Những tâm sự, những ước mơ đó có thể là điều thường nhật của người khác nhưng lại mang ý nghĩa to lớn với những người phụ nữ đặc biệt này.

NHỮNG MƠ ƯỚC GIẢN ĐƠN LẠI HOÁ XA XỈ

Bà Thân Thị Hòa (Văn Hương – Đống Đa – Hà Nội) năm nay đã 61 tuổi nhưng vẫn luôn vui vẻ, yêu đời khi sống tại Trung tâm nhiều năm nay. Bà Hoà kể, trước đây bà làm nghề thợ may, thợ thêu ren và nhận việc làm ở nhà. Khi hỏi về quê quán, địa chỉ, bà Hoà vẫn nhớ như in ngôi nhà mình từng sống tới từng ngõ ngách, số nhà và luôn “líu lo” về nghề may mà mình yêu thích, bà Hoà luôn xưng “em” khi nói chuyện với mọi người.

“Ngày xưa em làm may, làm thêu 13-14 năm rồi. Những năm đấy nhận nhiều đồ về làm tại nhà, làm được lắm. Cả ngày của em chỉ có may với thêu. Đợt đấy, nhà chật, lại thêm em của mẹ về xây nhà, thấy em làm may chật nhà cả đống rồi làm suốt ngày suốt đêm ầm ĩ nên cho em ra chỗ khác ở” – bà Hoà kể lại.

5 năm sống tại Trung tâm, bà Hoà nói chẳng thèm gì ngoài thèm nghề, nhớ nghề lắm. Vào trung tâm rồi cũng chỉ muốn được làm may, làm thêu nhưng không được nên chỉ có làm giấy, làm lọng túi… để đỡ nhớ. Thêm nữa, ở trong này lại có nhiều bạn bè như mình, lại được thoải mái làm điều mình thích nên bà Hoà lúc nào cũng vui vẻ.

“Dù may thêu rất nhiều đồ nhưng em chưa bao giờ may áo dài. Em chỉ có một ước mơ duy nhất là được về làm may tiếp” – bà Hoà tâm sự.

Vương Minh Tú, SN 1996 (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trong ấn tượng của các tình nguyện viên khi đến trung tâm là một cô gái rất lạc quan, yêu đời và sỡ hữu nụ cười tươi tít mắt mang năng lượng tích cực.

Tú chia sẻ, trước đây mình từng làm ở quán hát. Chỉ từ những bài hát karaoke của những người khách đến quán đã dần nhen nhóm và cháy lên trong cô ước mơ trở thành một ca sỹ. Thế nhưng, Tú dần thấy mình khác với mọi người và nhìn lại thì thấy mình đã lên ở trung tâm 2 năm. Tuy vậy, Tú chưa bao giờ tỏ ra buồn bã bởi ở đây Tú có bạn, Tú được hát và chưa bao giờ cô gái nhỏ nhắn này vơi đi ước mơ được trở thành ca sỹ.

Vũ Hồng Ngọc, SN 1996 (xã Nam phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là một trong những người bạn thân của Tú do cả hai cùng tuổi và cùng xã. Em đã vào đây được hơn 1 năm. Dù biết mình có bệnh nhưng Ngọc vẫn luôn lạc quan và vui tươi.

Vừa được trang điểm, bạn tình nguyện viên vừa hỏi Ngọc về cuộc sống ở đây và hỏi về ước mơ của Ngọc. Cô gái ấy thổ lộ mình có ước mơ sẽ trở thành lính cảnh vệ đứng gác trước lăng Bác. Cô hồn nhiên chia sẻ, mình mơ ước như thế bởi mình muốn được bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mọi người.

Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 2, Ba Vì, Hà Nội không chỉ tiếp nhận những người cần điều trị tâm lý mà còn cưu mang cả những người lang thang, cơ nhỡ. Bà Huệ là một trong nhiều trường hợp như thế.

Theo lời kể của Trung, bà Huệ tuy là người lớn tuổi nhất Trung tâm nhưng lại có tâm hồn “em bé” nhất ở đây đến nỗi Trung và các tình nguyện viên có cảm giác như đứng trước mình chỉ là một bạn nhỏ với những mơ ước hết sức đơn giản mà bình dị.

Bà Huệ đã ở đây nhiều năm, chính những không khí vui vẻ từ những người ở đây khiến bà luôn có cảm giác yêu đời. Bà Huệ cũng có mong ước rất giản dị đó là được mặc áo dài, được đánh son… những điều mà gần cả một đời bà chưa từng được làm.

TRÂN TRỌNG VÀ YÊU THƯƠNG TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ NHẤT

Những chương trình từ thiện của Trung nói chung và “Ngày đẹp nhất” nói riêng luôn nhận được sự ủng hộ của các tình nguyện viên giống như một mạng lưới, một hệ sinh thái từ thiện. Nơi mà Trung chỉ cần phát động là luôn có những cánh tay đưa ra. Quan điểm của Trung khi làm từ thiện đó là không cứ phải quyên góp thì mới là từ thiện. Thay vào đó, Trung chú trọng việc từ thiện từ tâm và từ những việc làm nhỏ nhất. Với tinh thần “Của cho không bằng cách cho”, Trung cùng tổ chức của mình hạn chế đến mức thấp nhất việc cho tiền mà anh thường từ thiện bằng hiện vật và bằng sinh kế.

Các tình nguyện viên khi đến với Từ Thiện Thật của Trung cũng được Trung khuyến khích “từ thiện” bằng sức của mình chứ không từ thiện bằng của cải vật chất. Chính từ tinh thần đó khiến sự kết nối và ủng hộ của các tình nguyện viên với mỗi chương trình luôn đông đảo. Với “Ngày Đẹp Nhất”, Trung chỉ giới hạn số lượng nhất định nhưng rồi anh cũng phải thay đổi xe chở đoàn vào phút chót chỉ vì nhiều tình nguyện viên muốn đi và anh không muốn để ai ở nhà.

Đến với “Ngày Đẹp Nhất” đặc biệt ở đây, các tình nguyện viên mỗi người có một cảm nhận khác nhau nhưng cùng chung một cảm xúc vui tươi, lắng đọng và xúc động trước những tâm sự của các bệnh nhân nơi đây. Bởi đó không phải là ước mơ gì cao sang mà chỉ đơn giản là một mong ước rất nhỏ, rất giản dị, rất đời thường nhưng lại hoá xa xỉ.

Lê Thị Vân Anh là một trong những tình nguyện viên tích cực của Từ Thiện Thật trong các chương trình thiện nguyện. Vân Anh đã hai lần tham gia trong cả hai “Ngày Đẹp Nhất” tổ chức tại Hà Nội và mỗi lần đều mang lại cho cô những cảm xúc rất khác nhau. Theo lời Vân Anh, lần trước, cô cùng các bạn trang điểm cho các cô bác tại xóm ve chai Phúc Tân dưới chân cầu Long Biên. Lần đó, cô được tự tay giúp những người phụ nữ quanh năm khắc khổ được một lần làm đẹp đã để lại trong cô những cảm xúc khó nói thành lời.

Khi “Ngày Đẹp Nhất” tại Ba Vì phát động, Vân Anh cũng là những người đầu tiên đăng ký tham gia như thể cô chỉ chờ đợi người “cầm trịch” cất lời.

“Khi tham gia chương trình này, cảm xúc của mình khó tả lắm. Mình cảm nhận được rằng các chị, các cô, các bác ở đây họ đang sống một cuộc sống rất vui vẻ. Khi đến đây, mình như được truyền thêm năng lượng tích cực từ họ bởi họ luôn lạc quan, yêu đời và vui tươi. Vừa trang điểm, mình vừa trò chuyện và được nghe những ước mơ rất đáng yêu như là mơ được mặc áo dài, được trang điểm mỗi ngày, được người nhà lên thăm hay là được làm ca sĩ” – Vân Anh chia sẻ.

Kiều Chinh cũng là những người đầu tiên đăng ký và trực tiếp cầm cọ trang điểm cho những người phụ nữ đặc biệt tại đây. Chinh đã hai lần tham gia “Ngày Đẹp Nhất” tổ chức tại Hà Nội.

“Đến đây thực sự rất vui vì mọi người luôn vui vẻ, yêu đời và tạo nên năng lượng tốt. Mình cảm thấy rất vui khi được tự tay trang điểm cho các bà các cô, đây là chương trình thực sự rất ý nghĩa, mình cảm thấy tự hào khi được chung tay đem lại cho các bà, các cô ở đây một ngày 8/3 trọn vẹn như ý nghĩa” – Chinh chia sẻ.

Đến với “Ngày Đẹp Nhất” lần thứ 3, Quỳnh Anh lại tìm được cho mình sự yêu thương, biết ơn và trân trọng mà trước đó cô vốn không để ý tới giữa cuộc sống xô bồ. Quỳnh Anh chia sẻ, trước khi tham gia chương trình này, cô từng có suy nghĩ người tâm thần sẽ hơi đáng sợ một chút, sẽ giống như không kiểm soát được suy nghĩ và hành động như những bộ phim cô từng xem. Tuy nhiên, nhân sinh quan của Quỳnh Anh dường như thay đổi toàn bộ khi cô được tận mắt chứng kiến những bệnh nhân nơi đây, được nghe cách họ sống, cách họ làm mình vui, cách lạc quan yêu đời và cả cách mà họ mơ ước…

“Có những chị vào hai năm, có những chị vào năm năm nhưng cũng có những chị mới vào được có hai tháng hoặc bốn tháng thôi. Và với những lý do hay nghe những cái ước mơ của họ thì em thấy lúc đấy trong em cảm xúc rất khó tả. Lúc đấy em nghĩ về chính bản thân mình, tự nhìn lại chính bản thân mình và thấy mình đã rất là may mắn rồi, khi mà có bố mẹ, mọi người đều đang khoẻ mạnh bình thường. Vì thế, mình hãy cần phải trân quý cũng như là trân trọng điều này” – Quỳnh Anh tâm sự.

Chúng ta vẫn thường nói về “Cho đi để nhận lại nhiều hơn”, thế nhưng không phải ai cũng thực sự thấm câu nói ấy cho đến khi chính mình có thể tìm lại được mình ở trong một hoàn cảnh cụ thể. Tuệ Minh là một cô gái theo Phật, đi từ thiện đã là một việc làm mà cô thực hiện một cách tự nhiên như chính cách chúng ta hít thở. Thế nhưng, chính Tuệ Minh như một lần nữa soi lại bản thân mình và nhớ lại những mong ước của mình khi được nghe những bệnh nhân tại đây chia sẻ.

Theo Tuệ Minh, những bệnh nhân ở đây, họ sống và cảm nhận về cuộc sống ở thế giới riêng của họ. Đó là một thế giới không suy nghĩ, không tính toán, không bon chen, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ ra sao chúng ta không thể nào hiểu được. Trong thế giới lúc mê lúc tỉnh, lúc khóc lúc cười ấy họ vẫn luôn nuôi dưỡng và khát khao ước mơ.

“Điều đó làm mình chợt sững người trong vài giây, mình đã tự đặt tay lên trái tim mình và lần đầu tiên tò mò về ước mơ của mình, trước giờ mình không nhớ mình đã từng có ước mơ hay không. Cho đến tận ngày hôm qua vẫn không biết rõ ước mơ của mình là gì cả. Nhưng nhờ lắng nghe ước mơ của mọi người hiện tại mình đã có ước mơ. Nếu có thể thành hiện thực mình ước rằng sẽ không còn những người kém may mắn, bất hạnh nữa, tất cả đều được sống hạnh phúc, được yêu thương” – Tuệ Minh bộc bạch.

“NGÀY ĐẸP NHẤT”

Các tình nguyện viên cùng chia nhau công việc, người trang điểm, người làm tóc, người phụ trách áo dài… tất cả đều làm hăng say, cẩn thận như đang trang điểm phục vụ những khách hàng VIP nhất. Tất cả đều muốn giúp những người phụ nữ tại trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 2 trở nên thật xinh đẹp cho ngày 8/3.

Bà Thân Thị Hoà cười tít mắt từ đầu đến cuối và luôn hỏi về bộ áo dài có đẹp không, trông mình trang điểm lên có đẹp không…

“Ở trên này vui thì có vui nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng này chị em thôi, gia đình cũng thi thoảng mới lên thăm. Thế nên ở trên này thèm người lắm, có ai lên là vui như Tết” – bà Hoà nói.

Chị Nguyễn Kim Nguyệt sinh năm 1974. Chị là một bệnh nhân lang thang được đưa về trung tâm cách đây hơn 5 năm. Sau một thời gian gia đình đã tìm thấy chị ở trung tâm. “Ở trên này vui vì có nhiều người giống mình, như là mình tìm thấy được nơi mình thuộc về. Nhưng nhiều khi nhớ gia đình cũng buồn lắm, giờ chỉ mơ ước khỏi bệnh rồi giữa năm được về vì người nhà đã hứa như vậy” – chị Nguyệt chia sẻ.

Những người phụ nữ đặc biệt, thường ngày luôn vui vẻ nói cười, nhớ nhớ quên quên. Thậm chí họ cũng đã quên luôn cả dáng vẻ của mình ngày trước, quên luôn khái niệm về thời gian nay lại trở nên rạng rỡ hơn khi được khoác lên mình bộ áo dài, được trang điểm và được ca hát trong ngày 8/3 mà họ đã lâu rồi không còn nhớ tới.
Sải bước trên sàn Catwalk đặc biệt, những người phụ nữ này thật rạng rỡ như bao người ngoài kia. Từng người được giới thiệu tên với những bước mơ thật bình dị. Đó là ước mơ được về nhà, được khỏi bệnh, ước mơ được gặp mẹ, ước mơ có một ngôi nhà nhỏ, ước mơ tìm thấy gia đình.

Với rất nhiều bệnh nhân đang tham gia chương trình và những bệnh nhân đang ở đây, có lẽ ước mơ lớn nhất của họ đó là được trở thành 1 người bình thường.

Có lẽ đã rất lâu rồi, những người phụ nữ tại đây mới lại có một ngày 8/3 đúng ý nghĩa và ấm áp.
Để khép lại một “Ngày Đẹp Nhất”, Thành Trung lựa chọn cách nói lên tâm sự của chính mình theo một cách giản dị nhất như anh vẫn luôn làm. Trung nói rằng, anh vẫn luôn tâm niệm mình sẽ dành cả cuộc đời để làm từ thiện và cống hiến cho xã hội vì đó là sứ mệnh của mình và thế hệ các con của anh sẽ kế nghiệp để tiếp tục xây dựng Từ Thiện Thật.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không thực sự hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác.

– Nếu sáng mai tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.

– Nếu bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của một ngày nắng mới, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu người khác không may mắn được nhìn những vẻ đẹp giản dị của đời thường.

– Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng trăm triệu người trên trái đất.

– Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu xài, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.

– Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được chia sẻ cùng họ những tâm sự của mình, thì bạn đã là người hạnh phúc hơn nhiều người khác không bao giờ nhận được tình yêu thương từ người khác.

– Nếu bạn vẫn còn nhận được những lời chúc phúc từ những người xung quanh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người cô đơn, không người thân thuộc, bạn bè.

– Nếu bạn được ở đây để cảm nhận hạnh phúc trong Ngày Đẹp Nhất thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiêu người chưa có thời gian để cảm nhận giây phút này.

– Và đặc biệt nếu các bạn đang là 1 người bình thường thì các bạn đã hạnh phúc hơn hàng trăm bệnh nhân đang ở trung tâm này rồi…

Sau hôm nay, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười :” Hóa ra, mình cũng là một người giàu có và hạnh phúc”.

Để thế giới này luôn đầy ắp tiếng cười và niềm vui, để hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua, mỗi người chúng ta nên biết sống thế nào là đủ. Xin chúc các bạn sẽ luôn biết đủ bên cạnh những người phụ nữ trong gia đình mình nhân dịp 8/3!

Nếu bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của một ngày nắng mới, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu người khác không may mắn được nhìn những vẻ đẹp giản dị của đời thường.

Thành Trung

Bài, ảnh và trình bày: Khánh Huy

Dàn nghệ sĩ trẻ cùng Từ Thiện Thật mang đến “Ngày Đẹp Nhất” dịp 8/3

Previous article

Từ Thiện Thật có hẹn với những người phụ nữ đặc biệt trong “Ngày Đẹp Nhất”

Next article

Comments

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *