Đã ba năm nay, cậu bé lớp 9 Trần Thiều Quang vẫn đều đặn đến lớp dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ tại Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật.
Gia đình là điểm tựa tinh thần
Quang là con đầu trong gia đình có hai anh em. Mẹ Quang là sĩ quan quân đội, bố làm kinh doanh. Quang sử dụng tiếng Anh rất thành thạo. Chín năm liền, đều là học sinh giỏi, trong ba năm, từ lớp 5 đến lớp 7, Quang giành được giải đồng Toán Quốc tế APMOPS.
Quang cho biết, bố mẹ rất ủng hộ cậu tham gia lớp dạy tiếng Anh cho trẻ khuyết tật. Hằng tuần, bố và mẹ thay nhau chở Quang đến lớp. Lúc rảnh rỗi, mẹ là người hướng dẫn cậu phương pháp dạy sao cho hiệu quả. “Đó là một trong những điểm tựa tinh thần lớn nhất để em dành trọn tình yêu của mình cho các bạn khuyết tật trong suốt ba năm qua”, Quang bộc bạch.
Thầy giáo nhí Trần Thiều Quang giảng dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ tại CLB Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật.
Chị Thiều Quỳnh Lâm, mẹ của Quang, nói: “Chúng tôi muốn con mình có cái nhìn đồng cảm và sống có trách nhiệm với người kém may mắn trong xã hội. Đồng thời, tôi cũng muốn con mình tham gia nhiều hơn công tác xã hội, rèn kỹ năng sống. Bên cạnh đó cũng muốn con có khoảng thời gian cân bằng giữa học tập và thư giãn”.
Thầy nhí
Quang biết đến lớp học này cũng rất tình cờ. Khi Quang đang học lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, lớp cậu tổ chức chương trình Mang Trung thu đến với các bạn ở CLB Hà Nội. Lần đầu tiên đến CLB, được tiếp xúc và trò chuyện với các bạn khuyết tật, cậu đã muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ các bạn. Ban đầu, ban phụ huynh của lớp lập ra một nhóm học sinh hằng tuần đến dạy học cho các bạn khuyết tật. “Nhưng sau ba năm thì chỉ còn mỗi em. Em muốn ở lại giúp các bạn. Muốn dạy để các bạn học tốt hơn, để các bạn có kỹ năng hòa nhập với cộng đồng”, Quang tâm sự.
Đến CLB, Quang đăng ký dạy tiếng Anh. Dù lịch học của học sinh trường chuyên luôn dày đặc, cộng với các buổi học thêm bên ngoài, nhưng Quang vẫn bố trí thời gian để lên lớp đều đặn vào sáng Chủ nhật hằng tuần.
Quang kể, ban đầu, cậu là trợ giảng cho một anh khóa trên. Sau khi anh ấy đi du học, cậu xung phong dạy chính. “Thời gian đầu, em gặp nhiều khó khăn vì có nhiều bạn trong lớp học không làm chủ được hành động của mình. Việc khó khăn nhất của em là làm sao để các bạn tập trung vào bài học. Cũng nhiều lần em có ý định thôi dạy nhưng vì gắn bó với lớp học thời gian dài, tình cảm dành cho các bạn ngày càng nhiều nên em lại tiếp tục công việc của mình. Để giữ được sự tập trung cho mỗi thành viên trong lớp, em phải tìm hiểu qua sách vở và internet để tìm ra phương pháp dạy hợp lý”, Quang nói.
Theo dõi buổi học Quang đứng lớp, chúng tôi bất ngờ trước sự tiếp thu của các bạn khuyết tật trong CLB. Khi được hỏi về phương pháp giảng dạy, Quang nói: “Em thường mượn sách của em mình để soạn giáo án cho các bạn. Do các bạn khuyết tật ở đây học rất nhanh quên nên đối với mỗi bài học, em thường cho các bạn học đi học lại nhiều lần. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy, em thường sử dụng hình ảnh hoặc cho các bạn chơi trò chơi để dễ nhớ bài hơn”.
Quang kể, “Có một lần, có đoàn khách nước ngoài về thăm CLB và tham gia vào buổi học do em đứng lớp. Em rất lo lắng vì sợ mình nói sai, gây ảnh hưởng CLB và sợ những vị khách kia có suy nghĩ không tốt về người Việt Nam. Sau đó, nhờ những cái ôm, những lời động viên của các bạn mà em đã hoàn thành bài giảng và được khen ngợi”
Comments