Hành trình Trung thu trên mây: Mang yêu thương đến với trẻ em nghèo Hòa Bình
Nơi đây có những đứa trẻ hồn nhiên với đôi mắt thơ ngây đầy hạnh phúc khi lần đầu tiên được biết đến hương vị trọn vẹn của một đêm Trung thu đúng nghĩa. Những người lớn tuổi, thậm chí có người sống đến 79 tuổi cũng lần đầu tiên cảm nhận mùi vị của Trung Thu Thật !
*********************************************************
Nằm khuất sâu phía sau những rặng núi trùng trùng điệp điệp, xóm Đúc, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình là một trong những điểm khó khăn của tỉnh. Thiếu thốn về vật chất, khiến những đứa trẻ sinh sống nơi đây nhiều lúc ăn còn không đủ, chính vì thế mà một đêm Trung thu đúng nghĩa là điều xa xỉ mà chúng không dám nghĩ tới.
Những người dân sinh sống tại xóm Đúc chia sẻ, Trung thu ở đây với những nhà khá giả nhất cũng chỉ có một vài cái bánh hay cái kẹo cho con cái chứ chưa bao giờ có một mâm cỗ Trung thu đủ đầy với ngũ quả, bánh trái…
( Video VTC14 )
Vượt trùng núi xa mang Trung thu về với bản nghèo
Nguyễn Thành Trung (chủ nhiệm CLB tình nguyện Từ thiện thật) chia sẻ: ‘Trong một lần đến với xóm Đúc, nhìn những đứa trẻ nơi đây thiếu thốn đủ bề, tôi mới lân la hỏi chuyện và được biết rằng chúng chưa từng được biết Trung thu đầy đủ là như thế nào.
Với mong muốn được chia sẻ cũng như mang một chút không khí của Trung thu với những em bé nơi đây nên Từ thiện thật đã quyết định lần đầu tiên mang Trung thu lên với các em’.
Vượt qua quãng đường gần 100k và thêm hơn 2km đường núi với biết bao phần quà đã được chuẩn bị sẵn, gần 50 bạn trẻ với trái tim đầy nhiệt huyết và yêu thương sẻ chia mang theo tình yêu và không khí của một Trung thu cổ truyền lên với bản cao.
Vì vừa mưa lớn nên con đường dẫn vào xóm Đúc trở nên khó đi hơn bởi đoạn đường trơn trượt, lầy lội. Chẳng ai bảo ai, các bạn trẻ mỗi người tự nhận cầm một vài món đồ từ thùng mỳ tôm, gói bánh cho đến những món đồ chơi… và cuốc bộ trên đoạn đường trơn trượt ấy.
Xóm Đúc hiện lên sau những con đường mòn đầy bùn đất lầy lội theo một cách rất riêng. Nơi đây, chỉ mới một năm trước vẫn còn là những mái nhà tranh vách đất, nhưng sau chương trình hỗ trợ vùng sâu vùng xa, xóa đói giảm nghèo của nhà nước thì mỗi gia đình ở đây được vay 20 triệu đồng.
Số tiền không quá lớn nhưng đủ để những người dân ở đây có được một mái nhà vững chắc hơn. Theo khảo sát, xóm Đúc có khoảng 200 hộ dân, chủ yếu là nhà trên núi, trên đồi.
Vượt qua gần 100km, các bạn trẻ lại phải đi bộ hơn 2km đường rừng để mang Trung thu đến với các em nhỏ xóm Đúc, xã Núi Sáng, Hòa Bình.
Anh Lực (trưởng thôn xóm Đúc) chia sẻ, chương trình mà các bạn trẻ này mang đến cũng là mùa Trung thu đầu tiên của các em nhỏ nơi đây.
Những món đồ chơi Trung thu truyền thống được các tình nguyện viên mang theo cẩn thận.
Cha mẹ đi làm cả ngày trên nương, trẻ em tại xóm Đúc tự nghĩ ra những trò chơi để chơi cùng nhau tại bãi sân trước điểm lớp cắm bản. Khi thì chơi đuổi bắt, lúc thì chơi trốn tìm,… nhưng khi hỏi đến việc Trung thu có rước đèn không? thì đứa nào mặt mũi cũng ngơ ngác. Hỏi ra mới biết được rằng, những đứa trẻ ở đây nào đã từng được biết đến rước đèn ông sao, phá cỗ Trung thu là cái gì.
‘Sinh ra ở dưới xuôi, từ nhỏ mình đã được tham gia rước đèn và phá cỗ Trung thu rất nhiều lần. Trung thu trong mình là những ngày háo hức chuẩn bị đèn ông sao, là rước đèn tùng rinh rinh và được tranh nhau phá cỗ dưới đêm trăng. Khi biết việc các em ở trên bản chưa một lần được biết đến ngày lễ Trung thu, tự dưng trong mình cảm thấy thực sự muốn được chia sẻ cùng các em’ – Nguyễn Thị Liên – TNV chia sẻ cảm xúc khó quên khi lần đầu được tham gia một hành trình ý nghĩa đầy yêu thương.
Trung thu yêu thương đầu tiên
Khi đoàn vừa đặt chân đến xóm Đúc, những đứa trẻ tỏ ra sợ sệt, bởi lần đầu tiên có nhiều người lạ đến bản như vậy. Nhưng chỉ một lát sau, các em đã nhanh chóng vây quanh các anh chị tình nguyện và ríu rít những câu hỏi đầy tò mò.
Đa phần các em nhỏ ở đây có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có những em nhà ở trên đồi xa, mỗi ngày phải vượt đường mòn qua 2 quả đồi để đến trường.
Em Bùi Văn Trung (lớp 4, Xóm Đúc, xã Đú Sáng) chia sẻ: ‘Bọn em mong lắm vì Trung thu chúng em cũng chỉ có 1-2 cái kẹo thôi. Đèn ông sao và đèn lồng, múa lân chúng em cũng chưa bao giờ được có cả’.
Các em nhỏ háo hức trước sự xuất hiện của hàng tá những người lạ có mặt tại thôn xóm…
Ngây ngô khi lần đầu nhìn thấy con Lân to như vậy …
Nhìn ngó các anh chị TNV làm đèn ông sao …
Nhưng chỉ ngay sau đó, những em nhỏ này đã nhanh chóng xóa tan đi sự rụt rè để cùng ngồi chuẩn bị với các anh chị.
Những món đồ chơi Trung thu như đèn ông sao , hay đèn lồng đối với các em là một món đồ xa xỉ.
Có lẽ chúng nói thật, trong suốt thời gian sửa soạn, chuẩn bị chương trình, những đứa trẻ ấy cứ mon men xung quanh các anh chị. Một bạn tình nguyện viên nhìn thấy sự háo hức trong mắt của chúng nên gọi những đứa trẻ ấy lại để hướng dẫn cách làm đèn ông sao.
Mặc dù chỉ đơn giản là ghép những mẩu gỗ lại để tạo thành hình đèn ông sao nhưng các em tỏ ra rất thích thú. Vừa khoe một chiếc đèn ông sao mới hoàn thành, em Bùi Văn Đức (lớp 4) vừa cười toe toét thích thú trước thành quả đầu tay – chiếc đèn ông sao đầu tiên trong đời.
‘Đây là lần đầu tiên em được tự làm đèn ông sao và đèn lồng đấy anh ạ’ – Đức cười tít mắt rồi chạy khắp xóm khoe như một chiến tích.
Em Bùi Văn Đức thích thú với những chiếc đèn ông sao, đèn lồng lung linh nhiều màu sắc.
Thậm chí các em nhỏ này còn mang những chiếc đèn ông sao vừa hoàn thành chạy khắp xóm để khoe như một chiến tích lớn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách (người phục dựng lại đồ chơi Trung thu trẻ em Việt Nam trước năm 1975), chỉ có ở Việt Nam mới có ngày Trung thu là tết cho thiếu nhi và có lẽ ngày tết Trung thu chỉ kém phần nhộn nhịp hơn duy nhất ngày tết Nguyên Đán. Nếu như tết Nguyên Đán bắt đầu từ tháng chạp thì trẻ em vùng xuôi cũng bắt đầu rục rịch chuẩn bị tết Trung thu từ sau rằm tháng 7.
Người ta vẫn thường nói, không khí của ngày tết vui không phải ở chính ngày mà vui nhất là ở tâm lý háo hức và không khí tất bật chuẩn bị cho ngày tết. Đối với những đứa trẻ ấy, tết Trung thu đã bắt đầu từ giây phút mà chúng được tự tay chạm vào từng chiếc đèn và hoàn thiện từng món đồ chơi Trung thu trong sự vui sướng.
Đặc biệt hơn, các em nhỏ nơi đây còn được xem múa lân sư rồng, rước đèn Trung thu, chú Cuội, chị Hằng và phá cỗ Trung thu. Chú cuội béo tròn vui tính, chị Hằng Nga xinh đẹp mang đến những câu chuyện, những món quà, những trò chơi mà lần đầu các em mới được chơi.
Điểm nhấn của chương trình là đêm phá cỗ và rước đèn.
Ai cũng thích thú với những chiếc đèn ông sao và đèn lồng đầy sắc màu.
Cuối cùng, những chiếc đèn vừa hoàn thành cũng đã được đưa ra sử dụng.
Hình ảnh đoàn rước đèn Trung thu đi đầu và đoàn múa lân sư rồng đã từng là hình ảnh quen thuộc trong tâm trí của những ai đã từng là trẻ em.
Sau những trò chơi vui nổ trời, các em nhỏ vui vẻ hạnh phúc rước những chiếc đèn tự tay mình làm trong đêm Trung thu. Cả màn phá cỗ Trung thu với những hình ảnh những đứa nhỏ tranh giành nhau những chiếc bánh, chiếc kẹo đủ để khiến những ai đã từng là trẻ em cũng phải cảm thấy rưng rưng, bồi hồi xúc động. Bởi lẽ đó là những hình ảnh của ngày lễ Trung thu đúng nghĩa mà những người đã trải qua luôn luôn nhớ về.
Em Bùi Thành Đạt (lớp 3) hí hửng với chiếc đèn lồng giấy xếp, ‘chúng em ai cũng thuộc lòng bài hát rước đèn tháng 8, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được rước đèn đâu. Ở đây làm gì có nhiều đồ chơi Trung thu đâu ạ‘ – Đạt chia sẻ.
Nguyễn Thu Hương (Đại học Thủ đô – đóng nhân vật chị Hằng) cho biết: ‘Từ nhỏ, em đã được tham gia phá cỗ Trung thu rất nhiều lần. Trung thu trong em là lũ trẻ háo hức đòi bố mẹ, ông bà mua cho đủ thứ đồ chơi, là cùng nhau rước đèn dưới trăng. Đây là lần đầu tiên em được đóng vai nhân vật chị Hằng để mang đến niềm vui cho trẻ em nghèo nơi đây. Đây là một chương trình thực sự ý nghĩa, em mong rằng sau này khi các em nhỏ ở đây lớn lên, các em cũng sẽ ghi nhớ dấu mốc này, có một đoàn từ thiện đã mang đến cho chúng một không khí đúng nghĩa’.
Trung thu đầu tiên trong đời của cụ bà 79 tuổi
Ngay từ buổi chiều ngày 30/9, khi mà các tình nguyện viên còn đang tất bật chuẩn bị những bước cuối cùng cho chương trình phá cỗ đêm trăng thì đã có rất nhiều cụ già đã đến sớm. Trong số đó, có cụ bà Bùi Thị Nương (79 tuổi) là một trong những người có mặt đầu tiên để ngóng những đứa trẻ tụ tập chuẩn bị ‘một cái gì đó’ – theo cách nói của bà. Và rồi bà cũng hiểu ‘cái gì đó’ chính là một đêm cỗ Trung thu mà bà chưa từng được biết đến.
‘Ở đây, nhà nào biết nhà nấy, những nhà nào mà khá giả lắm cũng chỉ có vài cái kẹo cho lũ trẻ trong nhà thôi. Trước giờ, chúng tôi nào đã biết đến việc cùng nhau tụ tập ăn Trung thu cùng nhau như thế này đâu. Nhìn các cháu đến mà chúng tôi vui lắm’ – bà Nương chia sẻ.
Theo lời kể của bà cụ, những gia đình sinh sống tại đây phần lớn cách xa nhau, có khi đi cả cây số, vượt qua cả một qủa đồi mới thấy một nóc nhà. Đời sống người dân còn khó khăn đủ bề nên Trung thu rằm tháng 8 cũng chỉ qua loa cho có, thậm chí nhiều nhà còn chẳng cần để tâm đến ngày tết của trẻ nhỏ.
Vì thế, tết Trung thu cũng chỉ giống một ngày bình thường như bao ngày. Nhìn vào mâm cơm của một gia đình được xem là ‘khá giả’ hơn một chút cũng chỉ có đĩa lạc rang, thêm đĩa rau luộc cũng một bát nước rau lõng bõng. Những em nhỏ ở đây cho biết, thi thoảng lắm mới có thêm đĩa thịt thái miếng mỏng dính trong mâm cơm nhà. Thêm 1 vài cái kẹo tính theo đầu trẻ em trong nhà, thế là xong một ngày Trung thu.
Thành Trung (Người sáng lập Từ Thiện Thật) chụp ảnh kỉ niệm cùng 2 bà cháu
Cũng vì khoảng cách quá xa giữa các nhà nên việc nhà nào biết nhà nấy trong đêm Trung thu cũng là điều dễ hiểu. Các em nhỏ cũng chẳng có trò chơi gì trong đêm trăng mà chỉ đơn giản là tụ tập với nhau cùng những câu chuyện vu vơ không đầu không cuối.
Bà Nương cho biết thêm, gia đình của bà cũng chỉ có 4 người, con trai bà thì đi làm suốt ngày, những ngày rằm tháng 8 các năm trước thì con cháu cũng đi đâu hết, chỉ còn mình bà thui thủi ở nhà với con dâu. Trong buổi lễ Trung thu vừa qua, bà Nương chỉ đi cùng với cháu nội.
Trong suốt chương trình, bà Nương chăm chú ngồi dõi theo chú Cuội, chị Hằng mà bà chỉ mới nghe đến trong cổ tích. ‘Từ nhỏ, cuộc sống của chúng tôi đã khó khăn, ăn còn không đủ thì sao dám nghĩ đến những chuyện khác. Vì thế, Trung thu đối với chúng tôi như một điều xa xỉ. Thật vui vì ở tuổi gần 80 rồi, cuối cùng tôi cũng được biết Trung thu là như thế nào’ – bà Nương bộc bạch.
Trung thu thật của CLB Từ thiện thật đã mang đến một không khí trung thu thật ấm áp với người dân nơi đây. Có lẽ, không chỉ với bà Nương mà có lẽ đây cũng là Trung thu đầu tiên của rất nhiều người dân tại xóm Đúc.
Không chỉ trẻ em mà những hộ gia đình sinh sống tại khu vực cũng nhận được những món quà ý nghĩa. Tuy chỉ là những món quà nhỏ, là những vật dụng nhu yếu phẩm như mỳ tô, dầu ăn, gia vị, chăn màn, quần áo… nhưng đây là những tấm lòng, tình cảm của những người trẻ mong muốn được sẻ chia.
Anh Trung (chủ nhiệm CLB Từ thiện thật) cho biết thêm: ‘Từ bé đến lớn, tôi luôn được ba mẹ cho đi chơi Trung thu và cảm thấy rất hạnh phúc. Đến khi lớn lên, khi đến những vùng cao, cảm thấy những sự thiếu thốn đủ bề của người dân, đặc biệt là trẻ em những nơi đó nên tôi quyết tâm muốn mang đến những niềm vui của một đêm Trung thu cho những em nhỏ nơi đây’.
Comments