Bị tật nguyền từ lúc lên 3, năm lên 10 tuổi mẹ mất, ba bỏ đi, vượt qua bất hạnh của chính mình, chàng trai Trương Tấn Dũng (năm nay 28 tuổi) cảm thông và chia sẻ tình yêu thương và kiến thức với những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.
Mấy năm nay, hình ảnh người thầy tật nguyền trên chiếc xe lăn tận tình chỉ bảo cho trò là những trẻ da cam bất hạnh đã trở nên quen thuộc với người dân trong con hẻm nhỏ ở đường Quang Trung, TP Đà Nẵng.
Thầy giáo Trương Tấn Dũng tận tình bên các học trò đặc biệt – những em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam.
Lớp học đặc biệt
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Quang Trung, TP Đà Nẵng có một lớp học cho trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin, thuộc cơ sở 2 Trung tâm bảo trợ hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng. Nói ú ớ không rõ thành lời, các học trò với đôi tay không lành lặn vẫn tì chặt cây bút, chốc lát thả xuống ngẩng đầu cười sằng sặc.
Trong lớp học này, Trương Tấn Dũng dạy vẽ và tin học cho các em. “Các em phần lớn bị thiểu năng trí tuệ, chậm tiếp thu nên mình phải hết sức kiên nhẫn, chiều chuộng, khích lệ các em” – Dũng chia sẻ. Với suy nghĩ như vậy, Dũng quan niệm cái mà học trò cần không chỉ là những kiến thức khô khan, những bài học được anh truyền đạt bằng cả tình yêu thương và niềm cảm thông chia sẻ.
Em Lê Thị Hà hồ hởi: “Học ở đây rất thích, không sợ bị la, không bị đánh đòn. Thầy Dũng dạy em vẽ, dạy về máy vi tính, thầy còn kể chuyện và hát cho chúng em nghe nữa”.
Được biết, năm 2008, Dũng may mắn được gặp cô Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng. Sau khi lắng nghe những tâm sự về cuộc đời của chàng trai trẻ giàu nghị lực, cô quyết định nhận Dũng vào giảng dạy tại Trung tâm bảo trợ hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng.
Gần 4 năm làm thầy, Dũng càng thêm hiểu nỗi đau thể xác cũng như nỗi niềm của trẻ nhiễm chất độc dioxin. Những tình cảm với các học trò đặc biệt đã gợi cảm hứng cho Dũng viết lên bài hát Lời trái tim em. Dũng trải lòng: “Mình dạy cho các em học hát bài đó như một cách để các em nói lên tâm tư, để mọi người hiểu và chia sẻ. Điều ngạc nhiên là các em rất nhanh thuộc. Mỗi giờ giải lao cả thầy và trò lại say sưa hát”.
Trương Tấn Dũng và các học trò bị nhiễm chất độc da cam trong buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ ủng hộ nạn nhân da cam tại TP Đà Nẵng.
Hãy biết mở lòng mình
Khi được hỏi điều gì đã khiến anh luôn lạc quan và hết lòng với trẻ da cam, Dũng bộc bạch: “Mỗi cuộc đời là một niềm đau. Nếu ta chỉ biết khép mình trong nỗi tự kỷ thì mãi chỉ sống trong cô đơn của chính mình. Ngược lại sẽ có rất nhiều niềm hạnh phúc khi được sẻ chia”.
Không may mắn như những đứa trẻ khác, sinh ra Dũng mang cơ thể suy nhược do ảnh hưởng chất độc da cam từ cha. Sau một cơn sốt nặng năm lên 3 tuổi, cơ thể Dũng trở nên biến dạng, chân tay tật nguyền. Song với Dũng, chính những bất hạnh đó đã khiến anh sống lạc quan hơn và trái tim càng nhạy cảm, rộng mở hơn với những phận đời bất hạnh.
Quan điểm sống lạc quan khiến Dũng mở lòng với tất cả. Dũng đam mê vẽ, đam mê sáng tác nhạc, họa và đam mê sống. Được biết, trước khi đến trung tâm, Dũng từng vẽ tranh kiếm sống, để có tiền “nuôi” niềm đam mê còn lại là tin học. Người ta nói tranh của Dũng trầm mặc, phảng phất buồn nhưng với Dũng, đó là phút tĩnh lặng cần có của cuộc sống.
Thầy Dũng soạn giáo án và chuẩn bị bài vở trước khi lên lớp.
Nhận xét về Dũng, bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng cho biết: “Dũng là người thầy rất đặc biệt, tâm huyết và đầy nhiệt tình. Điều đáng quý là Dũng đã biết vượt lên nỗi đau của mình để chia sẻ với các em cùng cảnh ngộ. Đó là tấm gương sáng “tàn nhưng không phế” để người ta soi vào mà phấn đấu hơn”.
Đều đặn mỗi ngày, người thầy tật nguyền ấy lại cần mẫn trên chiếc xe lăn, vượt gần chục km để gieo hi vọng cho những học trò bất hạnh. Đồng lương ít ỏi từ nghề giáo (700 ngàn đồng/tháng) chỉ đủ cho một cuộc sống chật vật, nhưng ở đó Dũng thấy mình giàu có hơn bởi sự san sẻ và tình yêu thương dần lớn lên mỗi ngày.
Nguồn: dantri
Comments