Khi nhận nuôi những đứa trẻ, thầy Thích Đàm Thảo nghĩ rất đơn giản là thôi người ta bỏ thì nhà chùa sẽ dang tay đón nhận. Những nỗi ám ảnh day dứt nhất của thầy là đêm đêm, đứa trẻ vẫn thường mơ thấy mẹ và khóc gọi: “Mẹ đâu rồi?”.
Thử thách bất ngờ đến với vị sư trẻ
Chùa Thái Ân nằm bên cánh đồng, cuối con đường làng ngoằn ngoèo thuộc thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Có lẽ nhờ nằm ở vị trí ít người biết đến như vậy, nên chùa vẫn giữ được không gian tĩnh lặng và thanh khiết, không giống những ngôi chùa hoành tráng nơi phố phường nườm nượp khách vào ra.
Nhưng chẳng hiểu sao, những cô gái trẻ bồng bột yêu đương và lỡ có con lại biết đường mà “rủ nhau” tìm đến ngôi chùa hẻo lánh này, để gửi lại mầm sống bé bỏng mà họ trót sinh ra. Họ trút bỏ trách nhiệm làm mẹ nặng nề cho vị sư thầy trẻ tuổi Thích Đàm Thảo.
Năm 2006, khi về nhận làm trụ trì chùa Thái Ân, thầy Thảo mới 21 tuổi. Tiếp nhận ngôi chùa tuy là di tích cấp thành phố, nhưng xuống cấp nhiều và rất nghèo. Các bức tường của chùa rạn nứt, thầy Thảo lo sợ ngôi chùa có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Và đúng như nỗi lo của vị sư thầy, không lâu sau đó, một bức tường của gian Tam bảo bỗng dưng đổ sập. Tuy ngôi chùa vẫn trụ được, nhưng mái ngói xô lệch, nước mưa hắt dột tứ tung. Sau nhiều năm, thầy Thảo cùng với sự hỗ trợ của dân làng mới góp đủ tiền dựng tạm một mái tôn lợp trùm lên mái ngói của chùa để tượng Phật được tránh mưa tránh nắng.
Một thử thách bất ngờ nữa đến với thầy Thảo là vào năm 2008, khi trời vừa tờ mờ sáng, thầy bỗng phát hiện ra một cháu bé tầm hơn 1 tuổi bị vứt bỏ trước sân chùa. Lúc thầy bế cháu lên, đứa bé nức nở khóc: “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi?”.
Khi ấy thầy Thảo nghĩ rất đơn giản là thôi người ta bỏ thì nhà chùa sẽ dang tay đón nhận. Và đây là lần đầu tiên vị sư nữ trẻ tuổi phải đóng vai bà mẹ, với bao nhiêu nỗi vất vả bế ẵm, chăm mớm bỉm sữa và nhất là những khi con ốm đau. Những nỗi ám ảnh day dứt nhất của thầy là đêm đêm, đứa trẻ vẫn thường mơ thấy mẹ và khóc gọi: “Mẹ đâu rồi?”. Cũng may mắn là sau đó một thời gian, bố mẹ ruột đã đến chùa nhận lại cháu.
Như biết được tấm lòng yêu thương trẻ của thầy Thảo, những năm sau đó 6 đứa trẻ lần lượt được các bà mẹ trẻ đem bỏ lại trước sân chùa. Cả 6 đứa trẻ này đều bị bỏ lại khi mới lọt lòng. Chúng chưa cảm nhận được sự đau đớn khi xa rời hơi ấm của mẹ. Thầy Thảo và ngôi chùa nghèo tiếp tục gồng mình che chở, chăm lo cho những đứa trẻ bất hạnh.
Thầy Thảo tâm sự: “Trước khi thầy về chùa này, chưa hề có tình trạng mẹ đem con bỏ ở chùa. Cả xã có 7 chùa thì chỉ có chùa này có hiện tượng bỏ con lại. Có nhiều chùa ở ngoài phố rất tiện đường và có điều kiện, nhưng không hiểu sao người ta chỉ bỏ trẻ lại tại chùa Thái Ân. Đó như là cái duyên với các con của ngôi chùa hẻo lánh này.
Nhà chùa không có điều kiện kinh tế để thuê người giúp nuôi các con, đấy là chưa kể điều kiện ăn theo khuôn phép rất khắt khe. Thi thoảng người dân quanh vùng vào giúp đỡ trong chốc lát. Chủ yếu một mình thầy vừa phụng sự Tam bảo, vừa nuôi nấng các con”.
Sư thầy phải trồng cây, cấy lúa để nuôi trẻ
Không giống như những ngôi chùa nổi tiếng khác, nguồn tài chính chủ yếu mà chùa Thái Ân có được là từ thóc lúa do thầy Thảo cấy hái trên mảnh ruộng hơn 8 sào được xã cấp. Ngoài ra, thầy Thảo còn trồng rau sạch trong khuôn viên chùa để thêm phần nuôi nấng các con.
Thầy kể, mấy năm đầu về làm trụ trì tại chùa với 2 bàn tay trắng, thầy phải làm quần quật để trả nợ. Thầy nợ nhiều lắm, chủ yếu là tiền bỉm, sữa cho các con. Lúc đầu, thầy phải nói khó với nơi bán hàng, đưa cả ảnh các cháu nhỏ ra để họ thông cảm. Sau này thì họ đều biết hoàn cảnh của nhà chùa và giúp đỡ bằng cách bán chịu cho thầy.
Một gia đình có cả bố lẫn mẹ, chăm sóc 2 đứa trẻ đã rất vất vả. Đằng này thầy chỉ có một thân một mình chăm bẵm cả đàn trẻ với đầy đủ các công đoạn, nhất là khi chúng bị ốm đau.
Trường hợp đặc biệt nhất là bé Tâm Phúc. Bé sinh non, khi được phát hiện trong sân chùa, bé chỉ có 1,6kg. Bé được gửi lại với một mẩu giấy có nội dung rằng mẹ bé là sinh viên năm thứ nhất, không có khả năng nuôi cháu nên để lại cho nhà chùa nuôi giúp.
Hầu hết người dân có mặt ở đó không tin rằng bé có thể sống nổi. Sau khi hoàn tất mọi biên bản, thủ tục cho phép của chính quyền thì đã 11h đêm, thầy Thảo mới đưa bé đi Viện Nhi TƯ và bé được cứu sống.
Thời điểm khó khăn với thầy Thảo là từ năm 2009 đến năm 2013. 5 năm trời với vô vàn khó khăn bởi vì khi đó chỉ một mình thầy quần quật nuôi các con, không được sự giúp đỡ nào đáng kể. Đến năm 2013, đúng lúc thầy Thảo kiệt quệ, không thể gượng dậy nổi thì lại nhận thêm bé Nhân Tịnh.
Dân làng biết hoàn cảnh của thầy, họ đưa thông tin lên mạng xã hội và chùa Thái Ân bắt đầu có được sự giúp đỡ của những tấm lòng từ thiện. Điều kiện chăm sóc các bé từ đó cũng được cải thiện thêm đôi chút.
Ước muốn giản dị của vị sư thầy
Thầy Thảo cười, khóe mắt trên khuôn mặt gầy guộc của người tu hành khắc khổ ánh lên niềm vui. Thầy cho biết, các cháu đến tuổi đều được đi học mẫu giáo và tiểu học.
Cô bé Tâm Phúc chỉ nặng 1,6 kg ngày nào giờ đã đi học tiểu học, cháu khỏe mạnh, thông minh và rất nhanh nhẹn. Khi các con lớn khôn, thầy Thảo vừa đỡ vất vả hơn chút ít, thì gần đây nhất là cuối năm 2016, thầy Thảo lại tiếp nhận một bé gái sơ sinh nữa bị bỏ lại trước sân chùa. Bé được thầy đặt tên là Tâm An.
Đến nay, ngoài chi phí ăn uống, khoản tốn kém nhất mà thầy phải lo là tiền học của các con. Tuy đã làm đơn xin hỗ trợ miễn giảm học phí, nhưng cho đến nay thầy vẫn phải đóng đầy đủ các khoản học phí cho các con như những đứa trẻ bình thường.
Thầy Thảo cho biết, việc nuôi trẻ vô cùng vất vả, nhiều thời điểm tưởng chừng kiệt sức, nhưng rồi cũng vượt qua. Đến bây giờ thì mọi khó khăn với thầy dường như đã chai lỳ. Ngoài 7 đứa trẻ bị bỏ lại cũng có nhiều trường hợp các bà mẹ trẻ đem con gửi nhà chùa. Thầy đã khuyên giải để họ hiểu được nỗi đau về vật chất và tinh thần của những đứa con khi bị bố mẹ bỏ rơi. Họ đều giác ngộ và đưa con về.
Tuy các con ở chùa rất chăm ngoan học giỏi, phát triển tốt, nhưng thầy Thảo vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ được trao trả các con về cho bố mẹ. Chỉ khi đó các con mới được sống thực sự hạnh phúc trong một gia đình đúng nghĩa, có bàn tay chăm sóc yêu thương của bố mẹ. Các bạn trẻ cũng biết tiết chế các hành vi sốc nổi, để không phải chịu cảnh bất đắc dĩ bỏ con trước sân chùa.
Một tin vui là gần đây, nhà chùa đã nhận được công văn Sở VHTT&DL Hà Nội chủ trương lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Thái Ân với nguồn kinh phí của nhà chùa và đóng góp của người dân. Thế nhưng do chùa quá nghèo, lại nằm khuất nẻo nên ít người biết đến để hỗ trợ về mặt tài chính. Sư thầy Thích Đàm Thảo có tâm nguyện là trong thời gian gian tới, với sự giúp đỡ của toàn xã hội, chùa Thái Ân sẽ được tôn tạo lại vững chắc. Thầy không còn phải canh cánh nỗi lo chùa sập mỗi khi trời mưa to gió lớn.
Nguồn theo tamsugiadinh.vn
Comments