Sinh ra tại Ba Lan vào ngày 15/2/1910, Irena Sendler, hay còn được biết đến là Irena Krzyżanowska lớn lên với những lời dạy bảo của cha mình về giá trị của việc giúp đỡ mọi người, bất kể tôn giáo và quốc tịch. Cha bà Irena là bác sĩ Stanisław Krzyżanowski, từng điều hành một bệnh viện ở ngoại ô Otwock.
Irena Sendler – người hùng dân tộc của Ba Lan. (Nguồn: Getty Images) |
“Lí do tôi cứu những đứa trẻ vì chúng gắn liền với gia đình tôi, với tuổi thơ tôi. Tôi được cha dạy rằng chỉ cần ai đó cầu cứu sẽ có những cánh tay giúp đỡ họ, từ sâu thẳm trái tim, không phân biệt tôn giáo hay quốc tịch” – bà Irena chia sẻ.
Vì vậy, bất chấp việc là một phụ nữ Công giáo, bà đã tự lòng cam kết phải giúp đỡ các gia đình Do Thái bằng mọi cách có thể, nhất là lúc mạng sống của họ bị đe dọa khi Đức quốc xã lập nên Khu tập trung Do Thái Warsaw (Warsaw Ghetto)
Một trái tim nhân hậu
Là nhân viên của Sở Phúc lợi Warsaw (Ba Lan) phụ trách các căng-tin của các quận trong thành phố, bà Irena Sendler đã có điều kiện gần gũi những gia đình nghèo Do Thái. Trước chiến tranh, các căng-tin này chuyên chu cấp bữa ăn, trợ giúp tài chính và những dịch vụ khác cho trẻ mồ côi, người già và người nghèo khó.
Năm 1939, khi Đức quốc xã xâm chiếm Ba Lan và bắt đầu sàng lọc người Do Thái, dù bị cấm nhưng Irena vẫn tổ chức được các căng-tin quyên góp quần áo, thuốc men và tiền bạc cho người Do Thái. Ba năm sau, quân phát xít Đức quyết định dồn 450.000 người Do Thái ở Ba Lan vào 16 khu nhà tại Warsaw Ghetto.
Irena Sendler thời còn trẻ. (Nguồn: Wikimedia Commons) |
Cuối năm 1942, Irena Sendler tham gia phong trào Zegota (Hội đồng trợ giúp người Do Thái) do chính phủ Ba Lan lưu vong thành lập với mục đích giải cứu người Do Thái Ba Lan. Trong những năm 1942 và 1943, bà Sendler và một nhóm nhỏ nhân viên xã hội khác đã giúp trẻ em Do Thái trốn thoát.
Vượt qua lệnh cấm của Đức quốc xã, với tư cách nhân viên xã hội, Irena được quyền đi lại tự do trong khu ghetto và tiếp tục giúp đỡ những gia đình Do Thái ở đây theo nhiều cách khác nhau, nhất là giúp đỡ các em bé, những người còn ngây thơ và không biết gì đến hậu quả của chiến tranh. Nhớ lại thời kỳ này, Irena từng viết: “Lúc đầu tôi chủ yếu hành động theo cảm tính: Nhận thức được sự khủng khiếp của cuộc sống sau những bức tường, tôi cố giúp những người bạn cũ”.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Zegota là giải thoát những đứa trẻ trong ghetto trước khi phát xít Đức đốt bỏ khu này, đồng nghĩa với việc chúng sẽ theo cha mẹ bị lùa lên các toa tàu chở gia súc để đưa đi “lao động” ở miền Đông, nhưng thực ra là đưa về Treblinka, một ngôi làng nhỏ ở Mazovia, nơi Đức quốc xã đã tổ chức các trại tử thần như một phần của chiến dịch Reinhard Aktion – mật mã của cuộc tàn sát người Do Thái ở Ba Lan.
Cuộc giải cứu bí mật
Để giải cứu những đứa trẻ Do Thái, Irena cùng đồng đội đã sử dụng nhiều cách khác nhau để đưa các em ra ngoài. Bà dặn lũ trẻ giả vờ bị bệnh và di chuyển chúng tới các bệnh viện ngoài khu ghetto.
Tuy vậy, đầu năm 1943, Đức quốc xã bắt đầu đóng cửa các ghetto và cấm luôn các nhân viên xã hội. Canh gác trở nên nghiêm ngặt hơn. Irena Sendler liền xoay xở để trở thành nhân viên y tế bằng giấy tờ giả của Sở Kiểm dịch Warsaw. Irena và cộng sự của mình gần như được vào trại hợp pháp.
Bà Irena Sendler cùng với những “đứa trẻ” được bà cứu sống trong Thế chiến II. (Nguồn: Wikipedia) |
Đến lúc này, Irena đành phải sử dụng tính sáng tạo của mình. Bà giấu lũ trẻ bên trong những chiếc xe cấp cứu, trong những quan tài, vali, và cốp xe ô tô. Những đứa trẻ vài tháng tuổi được cho uống thuốc ngủ và xách ra ngoài bằng những cái túi có đục lỗ để tránh bị ngạt. Những đứa lớn hơn được dẫn ra qua đường cống ngầm, nhiều đứa được ném qua hàng rào có người chờ đón sẵn.
Với Irena, khi đó là một bà mẹ trẻ, việc thuyết phục các bậc cha mẹ chia ly con mình là một nhiệm vụ đau đớn và nặng nề. Tìm được các gia đình sẵn lòng cưu mang các em và như thế, đặt cả gia đình họ vào vòng mạo hiểm, cũng là một việc không đơn giản. Tuy nhiên, bà đã làm được những điều tưởng như không thể.
Bằng những hành động có phần liều lĩnh này, Irena Sendler đã cứu giúp được cho hơn 2.500 đứa trẻ Do Thái trốn thoát khỏi khu Warsaw Ghetto. Sau đó, chúng được cấp giấy tờ giả, với lai lịch mới là những đứa trẻ Kitô giáo và đưa tới những gia đình Ba Lan, các cô nhi viện hay tu viện; nơi chúng sẽ được nhận quần áo và những hỗ trợ vật chất từ Zegota.
Về tên và số liệu về tất cả trẻ em được cứu, Irena ghi lại trong hai danh sách được viết trên những tờ giấy ăn mỏng dính. Bà cho hai danh sách vào hai cái chai rồi chôn sâu trong một khu vườn. Đó là niềm hi vọng của bà về sự đoàn tụ gia đình của những đứa trẻ Do Thái.
Thế nhưng, không được bao lâu, ngày 20/10 năm 1943, hành động của bà Sendler đã bị phát hiện, bà bị Gestapo bắt và giam giữ tại nhà tù Piawiak, được coi là chốn “tử vì đạo” của hàng trăm người kháng chiến Ba Lan. Bà bị chúng tra hỏi và tra tấn dã man, bị gãy cả hai cánh tay và chịu nhiều vết thương khác. Tuy vậy, bà một mực không chịu hé răng về những hoạt động của mình hay của Zegota. Không moi móc được thông tin, bà Sendler bị chúng kết tội tử hình.
May mắn thay, những người đồng đội của bà đã kịp mua chuộc được tên đao phủ và giúp bà trốn thoát trên đường đến địa điểm hành hình. Thoát chết, bà lui vào ẩn náu nhưng vẫn tiếp tục cứu giúp những người Do Thái với một mật danh khác.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Irena đã cung cấp chiếc lọ đựng danh sách những đứa trẻ được giải cứu cho Ủy ban cứu nạn người Do Thái để giúp họ đoàn tụ. Buồn thay, hầu hết những đứa trẻ không được nhìn thấy cha mẹ mình một lần nữa…
Người hùng dân tộc
Không như nhà tư bản người Đức O.Schindler, người cứu sống hơn 1.000 trẻ Do Thái bằng cách tuyển dụng chúng vào nhà máy của mình ở Krakow và được mọi người biết đến nhờ vào một bộ phim đoạt giải của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, chuyện của bà Sendler vẫn “nằm im trong bóng tối”. Mãi đến năm 1999, khi một nhóm học sinh ở trường Kansas (Mỹ) tình cờ phát hiện ra câu chuyện và viết thành một vở kịch mang tên “Cuộc sống trong cái lọ”, câu chuyện anh hùng của bà Irene Sendler mới được biết đến.
Năm 2003, bà Sendler được nhận giải thưởng Jan Karski dành cho sự quả cảm (được đặt theo tên nhà hoạt động kháng chiến người Ba Lan). Năm 2007, bà được Quốc hội Ba Lan vinh danh là công dân danh dự, người hùng dân tộc. Cùng năm, bà cũng được trao giải Nobel Hòa bình vì đã cứu sống 2.500 đứa trẻ Do Thái.
Poster bộ phim Hollywood về cuộc đời bà Irena Sendler. |
Tổng thống Lech Kaczynski gọi bà Sendler là một nữ anh hùng tuyệt vời và xứng đáng được cả đất nước kính trọng. Tuy nhiên, bà Sendler khẳng định rằng mình chẳng làm gì đặc biệt. “Tôi không phải là một anh hùng. Ngược lại thì đúng hơn. Tôi đã có thể làm hơn thế. Tôi luôn bị cắn rứt lương tâm vì đã cứu được quá ít người. Sự nuối tiếc này sẽ theo tôi cho đến lúc chết”.
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà nói:“Tôi được dạy dỗ phải cứu sống một người nào đó khi họ sắp bị chết đuối cho dù họ mang quốc tịch hoặc tôn giáo gì”. Bà cho rằng vinh dự này lẽ ra phải dành cho toàn nhóm Zegota – những người đã không còn sống để chứng kiến sự kết thúc của phát xít Đức. Họ đã trả giá cả cuộc đời mình cho việc cứu người.
Vào ngày 12/5/2008, Irena Sendler đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 98 tại thành phố Warsaw. Người Mỹ đã vinh danh bà bằng bộ phim “The Courageous Heart of Irena Sendler” (Trái tim dũng cảm của Irena Sendler) nhưng tiếc thay bà đã không kịp xem.
Sưu Tầm
Comments