Vượt qua số phận
Chúng tôi đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, được nhiều thầy cô giáo, kể về cô quản thư khuyết tật tứ chi tên Xậm, được nhiều người quý mến và cảm phục trước nghị lực vượt qua số phận, giúp đỡ nhiều người trong trung tâm.
Một ngày làm việc của cô Xậm tại thư viện
Tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, cô Xậm chia sẻ: “Tôi cũng như mọi người trong trung tâm thôi! sinh ra đã không tay không chân, nhờ được các thầy cô giáo trong trung tâm tạo điều kiện giúp đỡ nên giờ tôi mới được như ngày này”.
Đưa cuốn sách lên kệ sách bằng đôi chân của mình, cô Xậm tâm sự: “Sinh ra ở một vùng quê nghèo, gia đình thì đông anh chị, em. Chuyện mưu sinh của gia đình đã gặp nhiều khó khăn, tôi thì không có tay và chân nên không thể phụ giúp được gì. Gia đình phải thay nhau chăm sóc tôi, thấy mình không làm được gì, mà còn là gánh nặng của gia đình nên tôi xin cha mẹ cho tôi đi học. Ban đầu, thì cha mẹ không cho nhưng thấy tôi quyết chí quá, rồi cũng đồng ý cho tôi đi học”.
Năm 15 tuổi, cô bé Xậm đăng ký vào lớp học phổ cập dưới những sự nghi ngại của thầy cô, sự xa lánh của những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn. Bằng nghị lực của mình, Xậm quyết chí học tập với một chân còn 4 ngón, vẫn linh hoạt có thể kẹp được cây viết và tập viết. Ban đầu, những đường “quẹt quẹt” không ra chữ, chân chạm xuống nền đất chảy máu, nhưng Xậm quyết không nản lòng. Một tháng trôi qua, những giọt máu, giọt mồ, những cơn đau mà Xậm đã bỏ ra đã có kết quả, những nét chữ đầu tiên đã xuất hiện, Xậm vui mừng khoe với mọi người.
Đôi chân thay cho đôi tay, linh hoạt trong công việc
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, Cô Xậm đăng kí vào học nghề tại trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. “Lúc đó, tôi được các thầy cô định hướng vào lớp học thêu và tin học văn phòng. Khi vào lớp học, thấy các anh chị em đều có đầy đủ tay chân, mà nghề thêu và tin học văn phòng đều dùng bằng tay để học, tôi thì không có tay để cầm nắm nên rất lo. Cây viết còn dùng ngón chân kẹp lại được, giờ đến cây kim nhỏ rất nhiều so với cây viết”.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô Xậm bước vào luyện tập một mình bằng niềm tin và khát vọng vương lên chính mình. Rồi một ngày, cô Xậm đã cầm được cây kim khâu và thêu được những đường chỉ đầu tiên. Không dừng lại việc thêu, cô Xậm tiếp tục học thêm môn tin học văn phòng.
Những nét chữ được viết bằng chân
Năm 2006, cô Mẫn cũng là người làm cầu nối cho chị Xậm đến với Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. HCM (gọi tắt là Trung tâm, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn). Dưới sự hướng dẫn của các cô, chị Xậm không những làm được, mà còn làm quản thư gần 10 năm nay, quản lý cả việc nhập sổ sách, số lượng đọc, số sách được mượn hàng tháng, và được trung tâm trả lương để gửi về quê cho gia đình.
Không ngừng học tập và phấn đấu
Hơn 10 năm, làm việc tại Trung tâm Dạy nghề cho ngừi khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, cô Xậm luôn luôn tìm tòi học hỏi, từ đồng nghiệp trong trung tâm và nâng cao kiến thức. Những bức tranh được vẽ bằng chân, hay mới đây, là tấm bằng tốt nghiệp ngành xã hội học của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh. Đây là những thành tích đáng khích lệ đối với bản thân chị, gia đình, thầy cô và bạn bè.
Luôn luôn học tập, nâng cao kiến thức
Chị Xậm chia sẻ: “Cha mẹ sinh tôi ra đã không được may mắn, nên tôi phải cố gắng học tập làm việc thật tốt, trước là để báo hiếu cho cha mẹ, sau là nâng cao kiến thức cho bản thân mình. Có được vốn kiến, tôi sẽ giúp đỡ được nhiều chị em khuyết tật trong tâm hơn nữa…”.
Ngoài công việc trên thư viện hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi cô Xậm lại đến với các lớp học của trung tâm để chỉ dạy cho các em sau giờ học. Giúp đỡ các em trong cuộc sống hàng ngày.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, cô Xậm vẫn đang cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa
Bằng nghị lực phi thường của mình, cô Xậm từ một cô bé khuyết tật, giờ đã trở thành một cô quản thư, cô giáo dạy chữ, một họa sĩ tài năng, có trình độ để sống thật ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội.
Comments