Người dân thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), từ già tới trẻ đã quen với hình ảnh người đàn ông tình nguyện cầm biển, thổi còi dắt mọi người qua đường mỗi ngày từ 20 năm nay.
Người “khùng” chơi “trò con nít”
Người đàn ông đó là anh Lê Văn Thịnh (42 tuổi). Năm 20 tuổi, anh tới ngã ba thị trấn Nam Phước đặt một cái bàn nhỏ làm nghề sửa khóa. Thời ấy khách chưa nhiều, nhưng vì mưu sinh nên anh vẫn bám trụ.
Thời gian rảnh ngồi lề đường, anh chứng kiến không biết bao vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, nạn nhân chủ yếu là người già, em nhỏ quan sát không kỹ khi qua đường, do không có biển hiệu và đèn tín hiệu giao thông. Anh Thịnh bèn vừa làm việc, vừa tranh thủ dẫn mọi người sang đường.
Mấy bữa đầu, nhìn anh rồng rắn dẫn lũ trẻ sang đường ai cũng cười. Nhiều người còn kêu anh bị “khùng” và tiên đoán vài ba hôm anh sẽ chán, thôi “trò con nít”. Nhưng anh cứ “chai mặt” làm theo ý mình.
Anh Lê Văn Thịnh dẫn các em học sinh qua đường.
Buổi sáng tầm 9 giờ trở đi, khi học sinh trường cấp I, II thị trấn Nam Phước vừa tan, anh đứng ngay lề đường đón các em và dặn tập trung thành nhóm rồi đưa sang đường. Từ giữa buổi chiều, anh băng đường thêm mấy chục lần nữa.
Ngày nào anh cũng dẫn gần trăm lượt, chưa kể các cụ già, người khiếm thính, khiếm thị. Miết rồi quen, góc nhỏ sửa khóa bên đường của anh thành nơi tập trung của học trò sau giờ tan lớp, cứ đến gần ngã ba là các em dừng lại chờ chú Thịnh dẫn sang.
Anh Thịnh kể: “Hồi đó đường xấu, ổ voi ổ gà, xe cộ lại nhiều, mỗi lần dẫn người qua đường là tui vừa đảo mắt, vừa hét đến khô cổ để cánh tài xế nghe mà đi chậm lại. Nhiều hôm về tới nhà chân rã rời, cổ nói không ra tiếng, phải ngậm gừng lấy giọng để mai còn… hét tiếp”.
Đến năm 2006, anh đề xuất với công an thị trấn Nam Phước thiết kế cho anh hai chiếc biển báo xin đường với nội dung: “Chú ý! Nhường đường cho trẻ nhỏ và người già”, một dùng ban ngày, một dùng ban đêm. Được duyệt, anh sắm thêm chiếc còi, mỗi lần dẫn người qua đường anh giương cao biển, thổi còi báo hiệu liên tục.
Có biển báo, có còi, lượng người theo chân anh sang đường càng đông. Anh Thịnh cho biết, mỗi ngày, chỉ có hai tiếng đầu giờ là tập trung làm khóa, còn lại phải dẫn tụi nhỏ qua đường. Anh Trần Hồng Tâm (24 tuổi), người được chú Thịnh dẫn đường suốt bảy năm từ lớp 1 đến lớp 8 cảm kích: “Nhờ có chú mà bao lứa học trò và phụ huynh yên tâm khi tan lớp trở về. Với vùng đất Nam Phước này, chú là hiệp sĩ giao thông có một không hai”.
Chỉ tin chú Thịnh
Cô hàng nước bên cạnh hàng sửa khóa của anh Thịnh đùa rằng anh làm chỉ đủ tiền… mua dép, vì ngày chạy giữa đường không biết bao lượt thế kia dép nào chịu thấu! Còn anh tếu táo: “Tui đâu có thấy ai khen tui đâu, toàn bị chửi thì có”.
Nhiều lúc đang làm dở chìa khóa cho khách thì có vài cụ già đến kêu anh dẫn qua đường, để đợi lâu thì tội, anh phải gác việc lại, dẫn các cụ đi. Vừa về tới nơi thì tụi nhỏ đã đứng đợi sẵn, anh lại cất công đi vài chuyến nữa. Khách hàng bực bội cằn nhằn, có khi còn đòi lại khóa không làm nữa.
Sáng sớm có mặt bên hàng khóa, nhưng hôm nào tối mịt anh mới tất tả dọn đồ. Anh đợi tụi nhỏ đi học thêm, đợi cả những cụ già bán vé số để hoàn thành “trách nhiệm” của mình.
Anh từng từ chối nhiều mối sửa khóa tại nhà, được đưa đi đón về, trả công cao chỉ vì sợ mình vắng mặt, lũ trẻ liều sang đường thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Có những khi bận việc, anh nhờ nhân viên kiểm giờ trạm xe buýt, bác lái xe ôm dẫn đường thay thì lũ trẻ không chịu. Chúng chỉ tin chú Thịnh.
Anh Đặng Ngọc Long, phụ huynh em Đặng Thùy Trâm (lớp 3, trường Tiểu học TT Nam Phước) chia sẻ: “May nhờ có anh Thịnh giúp nên chúng tôi rất yên tâm khi để con đi qua điểm đen giao thông của thị trấn”.
Không chỉ anh Long mà hàng trăm phụ huynh có con nhỏ ngày ngày đi qua ngã ba tấp nập xe cộ này đều rất cảm phục anh. Nhiều người chở con, mang quà tới nhà cảm ơn nhưng anh một mực từ chối.
Anh Thịnh tâm sự: “Mỗi lần qua đường, tôi luôn nhủ lòng rằng sau lưng mình là tính mạng của bao con người, phải thật cẩn trọng từng li từng tí, tuyệt đối không để xảy ra bất kì sự cố nào. Tôi luôn giữ mình bình tĩnh, không bia rượu để tỉnh táo đảm bảo an toàn cho mọi người”.
Năm 2014, anh Lê Văn Thịnh được chương trình “Total – Hiệp sĩ giao thông” trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ giao thông. Anh nói rất vui vì đó là động lực để làm công việc thầm lặng này mỗi ngày, cho tới khi chân không bước nổi nữa, anh mới thôi dẫn cụ già, em nhỏ qua đường.
Comments